Tiêu chí ‘Giới thiệu được việc làm cho ngươi lao động’ cùng với các tiêu chí khác trong văn bản mới ban hành của Bộ LĐ- TB- XH nhằm nâng cao chất lượng ‘đầu ra’ của các trường; đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Trên bằng tốt nghiệp tại các trường này cũng bổ sung nội dung ‘chương trình chất lượng cao’.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa ban hành Thông tư quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, cao đẳng; với nhiều tiêu chí về tổ chức đào tạo, chương trình, cơ sở vật chất, giáo viên, người học…
Việc đưa ra các tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao nhằm làm cơ sở để các trường xác định chi phí đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, thuê giáo viên, giảng viên, chuyên gia thực hiện chương trình chất lượng cao, trên cơ sở đó, xác định mức học phí tương xứng với chi phí đầu tư.
Theo quy định của Bộ LĐTBXH, chương trình đào tạo chất lượng cao không chỉ phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đối với một chương trình đào tạo thông thường, mà còn phải có chuẩn đầu ra cao hơn về kiến thức chuyên môn, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp.
Năng lực người học khi tốt nghiệp cũng phải đạt chuẩn “chất lượng cao”, cụ thể theo từng nhóm ngành nghề: nhóm ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài thì năng lực người học khi tốt nghiệp ra trường phải đạt bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam hoặc tương đương; với các ngành nghề khác đạt bậc 2/6 trình độ trung cấp, 3/6 trình độ cao đẳng.
Giáo viên dạy chương trình chất lượng cao phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với đào tạo trung cấp; thạc sĩ trở lên đối với đào tạo cao đẳng. Các văn bằng này phải đúng với chuyên môn ngành, nghề mà mình tham gia giảng dạy. Giáo viên hướng dẫn, giảng dạy các nội dung thực hành, thực tập phải có kinh nghiệm thực tế làm việc trong lĩnh vực của ngành nghề đào tạo từ 3 năm trở lên.
Về cơ sở vật chất, phòng học cho lớp đào tạo theo chương trình chất lượng cao phải được thiết kế là các phòng chuyên môn hóa, có đủ điều kiện để thực hiện giảng dạy theo phương pháp tích hợp cả lý thuyết và thực hành, được trang bị máy tính kết nối internet và các thiết bị hỗ trợ giảng dạy, học tập khác phù hợp với ngành, nghề đào tạo.
Trường phải đủ phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thực tập, có các phần mềm mô phỏng cần thiết phục vụ giảng dạy cho người học và các cơ sỏ vật chất cần thiết khác theo yêu cầu của chương trình chất lượng cao do nhà trường quy định.
Muốn được học chương trình chất lượng cao, người học phải có kết quả học tập ở THCS, THPT đạt từ trung bình khá trở lên. Việc theo học chương trình này phải hoàn toàn tự nguyện từ phía người học. Theo đó, người học phải cam kết đóng học phí theo quy định của cơ sở đào tạo đối với chương trình chất lượng cao.
Phía cơ sở tổ chức đào tạo chất lượng cao cũng phải đáp ứng các yêu cầu như phải xây dựng được chương trình đào tạo mà trong đó có sự hợp tác, tham gia của doanh nghiệp vào quá trình tổ chức đào tạo. Dành tối thiểu 30% thời lượng chương trình cho người học thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp, trong đó quy định rõ mục tiêu công việc và các yêu cầu đối với người học trong quá trình thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.
Hiện toàn quốc có gần 2.000 trường cao đẳng, trung cấp. Với nhiều hình thức hợp tác đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp vượt chỉ tiêu đề ra. Việc đưa ra tiêu chí chương trình chất lượng cao tại các trường cao đẳng, trung cấp sẽ tiếp tục thúc đẩy các trường đầu nâng chất lượng giảng dạy, đầu tư hệ thống có sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Nguồn: https://baomoi.com/truong-trung-cap-cao-dang-chat-luong-cao-phai-gioi-thieu-duoc-viec-lam-cho-nguoi-hoc/c/28903196.epi?fbclid=IwAR0nxY9dINDhoR6vAKqUpVktGPL7lwramQxvJ8PIUwlJCcPZ0L53R8cDZbc