Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Thành hay bại đều do con người

Bộ GD&ĐT vừa công bố một số điều chỉnh đối với kỳ thi THPT quốc gia 2019. Những điều chỉnh này chủ yếu mang tính kỹ thuật và không ảnh hưởng đến thí sinh. Theo các chuyên gia giáo dục cũng như lãnh đạo Cục Quản lý Chất lượng Giáo dục (Bộ GD&ĐT), kỳ thi THPT quốc gia thành hay bại đều do yếu tố con người.

Theo ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã nhận diện được những tồn tại, bất cập, đặc biệt là những lỗ hổng trong một số khâu của kỳ thi năm 2018. Trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp khắc phục tương đối phù hợp.

Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết Bộ cũng cần cân nhắc thêm để có phương án khả thi và hiệu quả như tỉ lệ kiến thức trong nội dung đề thi, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng khâu trong kỳ thi.

Ví dụ, vai trò của các trường ĐH tham gia vào kỳ thi như thế nào, quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng thi các địa phương ra sao… Bộ cần có tính toán cẩn trọng, chi tiết để các bên tham gia vào việc tổ chức kỳ thi đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.

“Những chi tiết khác mà Bộ rất cần lưu ý như chấm thi tập trung ra sao, vận chuyển bài thi như thế nào để đảm bảo an toàn, bảo mật cho bài thi… Những bài thi được chấm ở địa phương (với môn thi tự luận) sẽ được chấm như thế nào để đảm bảo tính công bằng với các bài thi trắc nghiệm được chấm tập trung, do Bộ GD&ĐT chỉ đạo trực tiếp; rồi việc khớp nối kết quả ra sao để đảm bảo sự chính xác trong kết quả thi của thí sinh…” – ông Phạm Tất Thắng nói.

Ông Phạm Tất Thắng cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là con người tham gia và các khâu của kỳ thi. Chúng ta tạo ra những cơ chế, những điều chỉnh về mặt kỹ thuật để hạn chế tác động chủ quan của con người vào kỳ thi này. Tuy nhiên, yếu tố trung thực, năng lực và trách nhiệm của những người được chọn vào kỳ thi này vẫn mang tính quyết định đến sự thành bại.

Mục tiêu chính của kỳ thi quốc gia là để công nhận tốt nghiệp, nhưng vẫn có mục tiêu phụ là dùng kết quả đó để tuyển sinh ĐH, CĐ. Để khắc phục những bất cập của kỳ thi năm trước, việc các trường ĐH tham gia một cách sâu hơn cũng là điều cần thiết. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cũng khẳng định, những sai phạm của kỳ thi năm 2018 gắn với hội đồng thi của địa phương, có hiện tượng cố tình làm sai để tạo điều kiện cho con em địa phương mình. Do vậy việc các trường ĐH tham gia sâu vào kỳ thi này sẽ giúp tăng được tính khách quan trong các khâu tổ chức và để khắc phục được những kẽ hở khi kỳ thi được tổ chức ở địa phương.

Khâu nào cũng có thể xảy ra tiêu cực

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho hay kỳ thi THPT quốc gia 2019, căn bản giữ ổn định phương thức thi như những năm 21017, 2018. Nhưng có điều chỉnh, tăng cường sử dụng thiết bị công nghệ nhằm hạn chế gian lận, tiêu cực có thể xảy ra, hướng tới mục tiêu kỳ thi an toàn ngiêm túc, có độ tin cậy. Để đạt được điều đó, có nhiều giải pháp đồng bộ được Bộ GD&ĐT đưa ra.

“Tuy nhiên, phải xác định rằng, mọi giải pháp đặc biệt là thiết bị công nghệ cũng không thể vượt qua trách nhiệm và ý thức con người. Do đó, cùng với giải pháp công nghệ, Bộ GD&ĐT sẽ cụ thể hóa ở quy chế và văn bản hướng dẫn để xác định rất rõ trách nhiệm của từng thành phần, từng đối tượng sẽ tham gia các khâu của quá trình tổ chức thi. Công nghệ chỉ là một giải pháp hỗ trợ. Thành bại cuối cùng vẫn là yếu tố con người” – ông Mai Văn Trinh tuyên bố.

Cũng theo ông, Bộ GD&ĐT sẽ kiên quyết tổ chức, chỉ đạo triển khai quyết liệt chặt chẽ, tăng cường thanh tra giám sát, nhưng cũng đề nghị địa phương phải chủ động đề cao trách nhiệm sát cánh cùng Bộ, các ban ngành và cơ quan khác để hướng tới cùng cộng đồng trách nhiệm tổ chức tốt, thành công kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Từ Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cho thấy, nếu không có những giải pháp chủ động thì tiêu cực có thể xảy ra ở bất kỳ công đoạn nào. Do đó, giao cho trường ĐH chấm thi là một giải pháp, cùng với đó là việc sắp xếp hội đồng thi cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là thí sinh tự do. Về niêm phong túi bài thi, Bộ cũng quy định chi tiết, kỹ càng hơn. Bảo quản túi bài thi như thế nào cũng có hướng dẫn cụ thể. Bộ GD&ĐT cũng cho biết, sẽ hoàn thiện phần mềm chấm thi thêm một bước nữa. Bài thi của thí sinh được mã hóa và đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh.

Trước lo lắng băn khoăn của dư luận về bài thi môn Ngữ văn, môn tự luận duy nhất của kỳ thi vẫn giao cho các sở GD&ĐT chấm, ông Mai Văn Trinh nói: “Một trong những đặc điểm của bài thi chấm tự luận là ít nhiều đều chịu sự tác động chủ quan của người chấm. Chúng tôi sẽ có một số giải pháp kèm theo. Thứ nhất, đề thi theo hướng mở, khắc phục dần trả lời theo khuôn mẫu. Hướng dẫn thi sẽ chi tiết. Quy trình chấm bài thi tự luận, từ khâu làm phách đã được áp dụng nhiều năm nay là sẽ sử dụng phần mềm máy tính, chia thành hai vòng độc lập đảm bảo bảo mật. Chấm hai vòng độc lập, chấm đều tay. Chấm kiểm tra cùng tiến độ chấm hai vòng độc lập”.

Nguồn: https://baomoi.com/ky-thi-thpt-quoc-gia-2019-thanh-hay-bai-deu-do-con-nguoi/c/28903330.epi?fbclid=IwAR0Iz34FEibLsMSgwgxnWVcnHtqcQskLIY9OriRHfHLRhnH9HciwuQ6yh9M

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.