Nhiều điểm mới trong đề thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên kỳ thi THPT quốc gia 2018

Sáng 26.6, 341.570 thí sinh bước vào ngày thi thứ hai với bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý – Hóa học – Sinh học).

Sở dĩ lượng thí sinh giảm so với ngày đầu tiên vì Khoa học tự nhiên cùng với Khoa học xã hội là hai môn tự chọn, sĩ tử có thể chọn một trong hai tổ hợp để thi.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm nay số lượng thí sinh chọn môn tổ hợp Khoa học tự nhiên ít hơn Khoa học xã hội (444.538 thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội, chiếm 48%).

Năm nay có 36.016 thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp, chiếm 4% (năm 2017 là 7%).

Số còn lại 11% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (số này là thí sinh tự do thi để xét tuyển ĐH, CĐ hoặc thí sinh tự do thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT có bảo lưu các môn thành phần của bài thi tổ hợp của năm 2017).

Với bài thi môn tổ hợp, ngoài điểm mới là thời gian nghỉ giữa hai phân môn thành phần liên tiếp chỉ 10 phút (năm 2017 thời gian chờ là 20 phút), thì đề thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên năm nay nhiều điểm mới.


Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) Sái Công Hồng. Ảnh: VGP

Trong cuộc họp báo thông tin về tình hình tuyển sinh năm 2018 diễn ra ngày 29.4, TS Sái Công Hồng – Cục phó Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã tiết lộ nhiều điểm mới trong đề thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên năm 2018.

Cụ thể, đề thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên sẽ có thêm câu hỏi về thí nghiệm thực hành nhằm tác động ngược trở lại việc dạy học của nhà trường, giúp thúc đẩy dạy học thực hành nhiều hơn.

“Những câu hỏi khó trong bài thi Khoa học tự nhiên sẽ là khó về bản chất, hiện tượng vật lý, hiện tượng hóa học chứ không phải phức tạp về tính toán” – ông Hồng nói.

Trước một số ý kiến cho rằng đề thi tham khảo năm nay phần phân hóa quá khó, ông Sái Công Hồng cho rằng: Kỳ thi THPT quốc gia nhằm 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể sử dụng dữ liệu xét tuyển vào ĐH, CĐ, nên đề thi phải bám vào 2 mục đích này.

Cấu trúc đề thi năm nay không có gì thay đổi với khoảng 60% kiến thức cơ bản và khoảng 40% là phần nâng cao để phân loại. Riêng nội dung được mở rộng, đó là thêm kiến thức lớp 11 (khoảng 20% trong đề thi). Như vậy chủ yếu vẫn là lớp 12.

Ông Sái Công Hồng lưu ý: Câu hỏi trong đề thi sắp xếp từ dễ đến khó, càng về cuối, độ phân hóa càng cao hơn; do đó thí sinh nên làm tuần tự từ đầu đến cuối đề thi.

Ngoài ra, với 60% kiến thức cơ bản, nếu thí sinh mải luyện thi để làm câu khó sẽ thực sự lãng phí, không hiệu quả.

Nguồn: laodong.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *