CÓ PHẢI HỌC KÉM THÌ MỚI VÀO TRƯỜNG NGHỀ KHÔNG?

– Sao không thi trường chuyên lớp chọn mà lại đi học nghề?
– Bao nhiêu trường phổ thông chính quy không học lại chọn học nghề?
– Hay học kém quá nên bỏ học đi học nghề cho nhanh à?
– Bỏ học đi học nghề thì làm sao học lên cao được? Sau này muốn học tiếp không được thì lại hối hận
Trên đây chỉ là một vài trong vô vàn những câu nói gây tổn thương của những người “tốt bụng” sống quanh nhà tôi khi biết rằng lựa chọn của tôi không giống với lựa chọn của con cái họ. Bản thân bố mẹ tôi cũng rất bất ngờ khi tôi thông báo sẽ không thi THPT mà xin vào thẳng trường Trung cấp nghề. Thực ra, đây không phải lựa chọn trong lúc nóng vội, mà tôi đã dành thời gian tìm hiểu con đường tương lai cho mình từ khi mới học lớp 8.
Sinh ra và lớn lên ở khu phố cổ Hà Nội, tôi cũng được bố mẹ bảo bọc và chăm sóc như bao đứa trẻ khác trong khu phố. Gia đình tôi thì không khá giả lắm, bố mẹ cũng rất vất vả để nuôi anh em tôi khôn lớn, nhưng bố mẹ chưa bao giờ đặt áp lực học hành lên chúng tôi, bởi bố mẹ muốn chúng tôi tìm ra được đam mê riêng của mình, chứ không muốn chúng tôi bị cuốn theo cơm áo gạo tiền mà không có ước mơ.
Bố tôi kể: “Lúc trẻ bố thích học đàn, ước mơ làm nghệ sĩ guitar, nhưng thời bao cấp ấy mà, ăn còn chẳng đủ, đàn với hát làm sao no bụng được. Nhưng các con thì khác, bố mẹ lo cho các con đầy đủ, muốn các con có ước mơ và nuôi dưỡng ước mơ của mình thành hiện thực. Giới trẻ bây giờ, sợ nhất là không biết mình muốn gì, chứ biết mình muốn gì đã là cái phúc.”
Vì vậy, ngay từ khi còn bé, chúng tôi đã được khuyến khích thử nghiệm tất cả những lĩnh vực có thể, bố mẹ không tiếc chi tiền mua sách cho tôi đọc, tôi nhớ mỗi lần lên phố sách Đinh Lễ, bố tôi lại mất 300-500k cho tôi chọn các loại sách mà tôi thích (tất nhiên là sách chứ không phải truyện tranh) – một số tiền khá lớn thời bấy giờ. Ở lớp, tôi cũng thuộc diện học khá, khá nhất là môn Tiếng Anh, tôi được làm cán bộ lớp và có một vài thành tích nho nhỏ trong cuộc thi cấp trường. Tuy nhiên, việc chọn trường để thi lên THPT với tôi như một canh bạc vậy. Có người nói trường này tốt, có người chê trường kia dở, tệ nạn này kia… Tôi thì không dám nhận xét, vì đã ở trong đó ngày nào đâu mà biết. Ngay như ở trường tôi cũng có lớp ngoan, lớp nghịch, trong lớp cũng có bạn giỏi bạn không, nên không thể vì vài bạn mà đánh giá cả trường được.
Năm tôi học lớp 8, gia đình tôi có chút biến cố, bố tôi bị tai nạn lao động nên phải nằm nhà dưỡng thương vài tháng, gánh nặng kinh tế dồn lên vai mẹ. Lúc đó, tôi chỉ mong mình lớn thật nhanh để có thể đi làm kiếm tiền đỡ đần bố mẹ. Tôi từng đạp xe quanh các con phố Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, chỗ nào treo biển tìm người làm là tôi ghé vào hỏi xin việc. Nhưng chắc do nhát gan, tôi không dám nói dối tuổi thật, lúc biết tôi mới học lớp 8, họ đều từ chối khéo. Mẹ tôi sau khi biết chuyện tôi đi xin việc, mẹ cười phì và bảo tôi: “Trông to như con voi thế này mà bảo 14 tuổi thì cũng khó tin thật, to con như con mà xin làm bảo vệ thì chắc được nhận ngay đấy”.
Nhà tôi ở khu phố cổ, nên từ nhỏ tôi đã thường thấy rất nhiều khách du lịch nước ngoài đi ngang qua, mỗi lần tôi chào Hello với họ, họ lại cúi xuống xoa đầu bắt chuyện với tôi, dù không hiểu hết họ nói gì, nhưng tôi rất thích cảm giác trò chuyện bằng một ngôn ngữ khác. Khách du lịch nước ngoài thường đi theo đoàn, có 1 cô hoặc chú mặc đồng phục, cầm cờ dẫn đường và nói liên tục bằng ngôn ngữ của họ. Về sau thì tôi hiểu rằng đó là người hướng dẫn viên du lịch. Và đam mê được trở thành người dẫn đường cũng nhen nhóm trong tôi từ đó.
Và đến giờ, khi tìm được Hệ đào tạo song bằng thì tôi biết rằng, đây chính là con đường ngắn nhất giúp tôi đến được với đam mê của mình. Ở đây, tôi vừa học văn hóa THPT, vừa được học nghề Hướng dẫn viên du lịch. Được thực hành dẫn đường và chuẩn bị hành trang cho mỗi chuyến đi, với tôi đó là niềm háo hức chưa bao giờ vơi.
Quay trở lại nhận xét ban đầu của những hàng xóm “tốt bụng”, tôi không trách họ, vì họ chưa hiểu thế nào là học nghề. Học nghề không có nghĩa là bỏ học, tôi còn đi học nhiều hơn con cái họ, vì học THPT chỉ học nửa buổi, còn tôi có khi phải học cả ngày, vì buổi còn lại tôi được học và thực hành nghề. Kết thúc 3 năm THPT, con cái họ sẽ chỉ có bằng tốt nghiệp THPT là cùng, còn tôi sở hữu đến 2 tấm bằng, bằng THPT và bằng Trung cấp chính quy. Với 2 tấm bằng này, tôi có đủ điều kiện để đi làm ngay lập tức ở những Doanh nghiệp lữ hành hoặc tiếp tục thi lên Đại học khoa Du lịch, mà nếu tôi muốn thi lên Đại học thì thời gian học của tôi còn được rút ngắn hơn vì tôi sẽ được miễn một số môn chung đã được đào tạo ở Trung cấp, quá là lời lãi. Vì thế, ai mà bảo học nghề thì sau không học lên cao được là sai lầm TO nhé.
Tôi có đọc được ở đâu đó câu nói “Để hạnh phúc, cần tìm điểm tương đồng, nhưng để thành công thì cần tìm điểm khác biệt”. Lựa chọn của tôi ngày hôm nay là khác biệt, có thành công hay không thì tôi chưa dám nói trước, nhưng tương lai của tôi đã được hoạch định rõ ràng trong lĩnh vực mà tôi đam mê. Vậy thì mỗi ngày đi học đúng là một ngày vui rồi….
(Tâm sự của bạn N.A – sinh viên khóa 14 trường Trung cấp Công nghệ và Kinh tế đối ngoại. Nguồn: FB nhân vật)
Đăng ký tìm hiểu thêm về Hệ song bằng tại: https://forms.gle/deX2zZem2cdMpFQx7

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.