Thi THPT quốc gia năm 2019: Còn đó những băn khoăn

 Những ngày qua, thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ ổn định phương thức tổ chức, chỉ thay đổi một số điểm trong khâu kỹ thuật của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 khiến giáo viên, học sinh khá hào hứng. Tuy nhiên, những điều chỉnh nhằm tăng độ tin cậy, giảm sai phạm liệu có là giải pháp căn cơ để hướng tới việc dạy và học thực chất hơn hay chỉ là xử lý tình thế thì vẫn còn nhiều băn khoăn.

Băn khoăn khâu chấm

Từ những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở một số địa phương, ngày 4-12 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về chủ trương tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật ở tất cả các khâu trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, trong đó rõ nhất là ở khâu chấm thi.

Theo đó, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, thay vì giao quyền chủ trì cho các sở giáo dục và đào tạo chấm tất cả các bài thi (gồm cả bài thi tự luận và trắc nghiệm), các trường đại học sẽ chủ trì việc tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm và toàn bộ khâu chấm thi đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như vậy, ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, sở giáo dục và đào tạo các địa phương chỉ chủ trì việc tổ chức chấm bài thi tự luận duy nhất của kỳ thi là ngữ văn.

Phương án giao khâu chấm thi trắc nghiệm cho các trường đại học chủ trì nhận được sự đồng thuận cao. PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đồng tình với chủ trương giao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm trong khâu chấm thi kỳ thi THPT quốc gia cho các trường đại học, bởi thực tế hiện nay, hầu hết các trường đại học và cao đẳng vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh là chính.

PGS.TS Trần Văn Tớp đề xuất để bảo đảm an toàn, bảo mật, giảm quá tải, cả nước có thể phân thành 3 hoặc 4 điểm chấm thi, tại mỗi điểm chấm đều phải có sự giám sát chặt chẽ của an ninh và thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng tình với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, song bà Lê Thanh Mai, phụ huynh học sinh Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) bày tỏ: “Liệu có chọn được đúng trường đại học đủ năng lực về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giảng viên để chấm thi hay không? Căn cứ nào để chọn trường? Làm thế nào để chắc chắn rằng đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường đại học có thể đảm đương nghiêm túc và bảo đảm chất lượng việc chấm bài thi trắc nghiệm của gần 1 triệu thí sinh cả nước? Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét kỹ những yếu tố trên, tránh tình trạng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa””.

Băn khoăn ấy không phải là không có cơ sở. Bởi lẽ, những sai sót ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cho thấy sự liên đới trách nhiệm không nhỏ từ phía các trường đại học, điển hình là sự việc gian lận tại tỉnh Hà Giang. Qua quá trình xử lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác nhận có sự lơ là, thiếu trách nhiệm của đội ngũ thanh tra ủy quyền là những giảng viên đại học khi được giao nhiệm vụ tại Hà Giang, góp phần gây ra những sai sót nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại địa phương này.

Lo lắng với nguy cơ trượt tốt nghiệp

Theo ghi nhận tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP Hà Nội, chủ trương tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2019 đang khiến một số học sinh và phụ huynh lo lắng. Theo đó, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp cộng 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Ông Nguyễn Tuấn Nam, phụ huynh học sinh Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) lo lắng, việc nâng tỷ lệ điểm thi dùng để xét tốt nghiệp có thể làm tăng áp lực cho học sinh, như vậy liệu có đáp ứng mục tiêu giảm áp lực thi cử hay không? Chưa kể tới những tác động của kỳ thi có thể khiến một số em mất bình tĩnh, sức khỏe không ổn định khiến kết quả thi không tốt như lực học thường ngày.

Thầy giáo Ngô Xuân Quỳnh, Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) nhận định: “Sự điều chỉnh trong cách xét tốt nghiệp THPT có thể khiến một số học sinh có học lực trung bình lo lắng. Bởi nếu như năm trước, học sinh bị điểm 4, thậm chí 3 điểm cũng đã có thể đỗ tốt nghiệp THPT, thì với cách xét tốt nghiệp mới, các em ở mức điểm như vậy có nguy cơ trượt”.

Còn cô giáo Cao Thị Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho biết, năm 2018 nhà trường vẫn còn một số em có điểm dưới 5 trong kỳ thi THPT quốc gia vì học lệch. Để hạn chế tình trạng này, ngoài việc triển khai kế hoạch học tập, ôn luyện để các em tiếp cận kiến thức, kỹ năng đều ở các môn, nhà trường khuyến khích các em phát huy ở những môn vốn là thế mạnh như tiếng Anh, ngữ văn và những môn có tính ứng dụng…

Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, mối lo của học sinh trước những thay đổi về thi cử là khó tránh, song các em cũng không nên lo lắng quá bởi về cơ bản, lực học của học sinh trên địa bàn Hà Nội khá đều ở các môn.

Từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập phù hợp với từng nhóm đối tượng, phân phối thời gian và thời lượng đều ở các môn và không được cắt xén chương trình ở bất kỳ môn học nào nhằm tránh hiện tượng học lệch.

Ngoài ra, các nhà trường phải tuân thủ nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định, bảo đảm trung thực trong dạy học, kiểm tra. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc này ở các nhà trường.

Nguồn: Hanoimoi.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *