PGS Nguyễn Phong Điền: Tiêu cực thi cử không phải chỉ ở khâu coi thi

TPO – Liên quan đến những điều chỉnh của Bộ GD&ĐT đối với kỳ thi THPT quốc gia 2019, PGS. Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, tiêu cực trong thi cử xảy ra không phải chỉ ở khâu coi thi. Việc mà Bộ cần làm là phòng tiêu cực chứ không phải “chữa cháy”.

PGS. Nguyễn Phong Điền cho hay tiêu cực trong thi cử  có thể xẩy ra ở tất cả các khâu. Ở khâu in sao đề, là người tham in sao đề từ rất lâu, nên ông quá thấu hiểu khâu này. Nếu phân ra thành 63 tỉnh thành là 63 điểm in sao đề thì rủi ro cao hơn nhiều. Vì không nhất thiết tiêu cực sẽ xẩy ra trên diện rộng như trong khâu chấm thi vừa qua ở một số tỉnh mà đề thi có thể rò rỉ ở một diện hẹp cho một số thí sinh, không ai có thể kiểm soát được. Do đó, khâu in sao đề vẫn là khâu chứa nhiều rủi ro.

Khâu thứ hai là khâu bảo quản bài thi. Kể cả khi dừng bút, cho bài thi vào túi cho đến khi đến được địa điểm chấm thi, nơi mà sẽ làm rất chặt, thì khoảng thời gian đó khá dài, thậm chí rất khác nhau giữa các vùng miền. Vì có nhưng nơi cách xa địa điểm tập kết bài thi đến cả trăm cây số. Việc này cũng phải tính đến.

PGS. Điền cũng đề xuất, khâu tổ chức thi nên giao cho các trường ĐH chủ trì. Đánh giá chung về những điều chỉnh trong kì thi THPT quốc gia sắp tới, PGS. Nguyễn Phong Điền cho biết khâu xung yếu đã được nâng cao tính bảo mật, khách quan. Nhưng quan điểm của nhiều người về kỳ thi này là để giảm tốn kém và nhẹ nhàng cho thí sinh.

“Tôi cho rằng đây chỉ là 1 yếu tố của kỳ thi nhưng đừng đưa nó là ưu tiên hàng đầu. Kỳ thi dù tốn kém thì mục tiêu cao nhất vẫn phải đảm bảo là khách quan, minh bạch và công bằng với mọi thí sinh” – PGS. Điền nói.

PGS cũng khẳng định giá trị của kỳ thi THPT quốc gia, muốn nói gì thì nói đó là nhiều trường ĐH vẫn tin tưởng vào kết quả để xét tuyển ĐH. Nếu kỳ thi này chỉ để tốt nghiệp thì thí sinh sẽ không quan tâm, chỉ học để đỗ tốt nghiệp. Kết quả không phản ánh đúng thực lực của thí sinh. Thứ hai lại quay trở lại thời kỳ thiếu nghiêm túc vì thiếu sự giám sát của các trường.

“Nói thật, nếu  không dùng kết quả này để xét tuyển thì nhiều trường cũng không mặn mà với việc đi giám sát một cách nghiêm túc. Nên nói đi cũng phải nói lại, kỳ thi này phục vụ tốt nghiệp, đánh giá kết quả học tập của thầy và trò trong quá trình 12 năm phổ thông là đúng. Nhưng không thể quên được một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là nhiều trường sử dụng kết quả này để xét tuyển ĐH đã làm nên giá trị của kỳ thi này” – PGS. Nguyễn Phong Điền chia sẻ.

https://www.tienphong.vn/giao-duc/pgs-nguyen-phong-dien-tieu-cuc-thi-cu-khong-phai-chi-o-khau-coi-thi-1354097.tpo

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *