Tuyển sinh đại học 2019: Xét tuyển chung, không tuyển sinh trước

Ngày 10/12, Bộ GDĐT phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến: Tuyển sinh đại học năm 2019 ra sao? Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), phương án tuyển sinh 2019 cơ bản giữ ổn định như 2 năm qua. Những thay đổi nếu có chỉ thay đổi nhỏ không làm thay đổi quy trình tuyển sinh với xã hội.

Các trường xét tuyển chung, không tuyển sinh trước

Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, quy chế tuyển sinh năm 2019 nhìn chung không có sự thay đổi lớn. Dự kiến đưa vào quy chế 2 quy định: Các trường dù lấy điểm thi THPT quốc gia cũng phải thực hiện theo giai đoạn xét tuyển chung, tránh những trường thực hiện tuyển sinh trước ảnh hưởng đến tình hình chung và việc thay đổi nguyện vọng của thí sinh. Quyền và nghĩa vụ của thí sinh, khi đã xác nhận nhập học phải nộp bản chính giấy xác nhận điểm thi, không được xét tuyển vào bất kỳ trường nào khác. Tránh tình trạng thí sinh vẫn nộp bản photo cho một số trường như các năm trước.

Bộ GDĐT vẫn hỗ trợ các trường về cơ sở dữ liệu, nhóm tuyển sinh của các trường để việc tuyển sinh hiệu quả hơn. Nhìn chung phương thức tuyển sinh vẫn giữ ổn định đến năm 2020.

Theo TS Võ Thanh Hải- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, từ nay đến 2020 chỉ còn hơn 1 năm nữa. 1 năm với các trường ĐH thì còn đủ thời gian để thay đổi phương án tuyển sinh. Nhưng 1 năm với các trường phổ thông là áp lực quá lớn. Vì vậy, ông Hải đề nghị Bộ nên có thời gian cụ thể về những thay đổi này vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của các em học sinh.

TS Nguyễn Trung Nhân- Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng đề xuất Bộ GDĐT có lộ trình dài hơi cho kỳ thi để các trường được chủ động hơn trong tuyển sinh.

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, sau 2021 sẽ áp dụng chương trình sách giáo khoa mới. Những thay đổi về tuyển sinh cũng sẽ được tính toán có lộ trình phù hợp để các bên liên quan đều chấp nhận được từ nhà trường, xã hội và người học. Cụ thể, trong tháng 12 này sẽ công bố chương trình sách giáo khoa mới và thực hiện theo các lộ trình. Đến năm 2023 mới đến lớp 12, khi đó thi cử mới thay đổi.

Cân nhắc điểm sàn cho khối ngành sức khỏe

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề điểm sàn của khối ngành sức khỏe. Bày tỏ ủng hộ ý kiến xác lập mức điểm sàn cho giai đoạn sắp tới, lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ TP HCM cho biết, các năm qua, trường thường lấy mức điểm trên sàn từ 4-5 điểm và mức điểm trung bình thường là 20 điểm cho ngành dược. Bên cạnh đó, trường cũng mong muốn mở rộng tổ hợp xét tuyển hơn, đặc biệt là ở khối dược…

TS Võ Thanh Hải- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết, trường này luôn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia chứ không xét học bạ cho khối ngành này.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, điểm sàn với khối ngành sức khỏe trong luật ghi rõ là những ngành có cấp chứng chỉ hành nghề chứ không phải tất cả các ngành. Cụ thể như bác sĩ đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền, dược sĩ… là những ngành quan trọng với xã hội nên cần đảm bảo chất lượng. Các ngành như kỹ thuật y sinh thì không nằm trong khối ngành này.

“Khi có điểm sàn, Bộ GDĐT sẽ có tính toán để đảm bảo trong hệ thống được cả hệ thống chấp nhận. Có thể các trường lớn cũng sẽ tham gia để xây dựng một ngưỡng vừa phải có thể chấp nhận được”- bà Phụng nhấn mạnh.

PGS.TS Dương Thị Hồng Hiếu- Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM nêu kinh nghiệm tuyển sinh có điểm sàn riêng của trường năm 2018 là cần thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để thí sinh có thể định hướng và nộp hồ sơ vào những ngành có khả năng đậu được, nộp hồ sơ chính xác hơn. Thực tế, trường có những ngành điểm cao hơn điểm sàn của Bộ vài điểm mà chỉ tuyển sinh một lần là đạt 100% chỉ tiêu đề ra.

Tư vấn tuyển sinh tại trường Trường THPT Gia Phù (Hải Phòng).

 

Đề xuất thành lập trung tâm khảo thí quốc gia 

Về phương án tuyển sinh của các trường, hiện khá phong phú. Chẳng hạn Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM sẽ sử dụng kết quả bài đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM, 80% dùng từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, 10% xét tuyển học bạ.

Trường mong Bộ GDĐT chủ trì các trung tâm khảo thí quốc gia, để giúp các trường có nguồn thí sinh phù hợp với đầu vào của trường, cũng như giúp giảm thiểu chi phí cho nhà trường, xã hội…

Chia sẻ quan điểm này, TS Cổ Tấn Anh Vũ- Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP HCM cho rằng, về lâu dài, nên có các trung tâm khảo thí của quốc gia, vì đó là hướng rất tốt, có thể tổ chức nhiều đợt thi chứ không tập trung thi 1, 2 đợt, qua đó việc thi cử sẽ nhẹ nhàng hơn, áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều.

Ủng hộ việc có các tổ chức khảo thí độc lập, ông Đỗ Ngọc Trung- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức (TP HCM) cho rằng, việc học sinh không phải tập trung đợt thi duy nhất trong năm sẽ giúp các em giảm áp lực hơn.

Về đề xuất Bộ GDĐT nên chủ trì một trung tâm khảo thí để hỗ trợ các trường, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết chủ trương của Bộ chủ yếu hỗ trợ về cơ chế chính sách và kiểm tra giám sát, còn những gì các trường làm được thì không coi là việc của Bộ.

“Tuyển sinh phụ thuộc vào mục tiêu đào tạo của các trường. Cần có đánh giá phù hợp với điều kiện trường mình. Nếu các trường, nhóm trường có thể làm được thì nên bắt đầu từ những trường lớn, các nhóm trường cùng tin cậy thực hiện kết quả này. Hay các trường có thế mạnh cũng có thể thành lập trung tâm khảo thí của trường mình để tổ chức cho trường mình và các trường khác. Chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo bộ để có chính sách, kiểm tra giám sát để các trường yên tâm sử dụng”- bà Phụng nói.

* Dự kiến trong tuần này và đầu tuần sau, Bộ GDĐT sẽ tổ chức 3 cuộc tọa đàm tại Thái Nguyên, Đà Nẵng, Cần Thơ để xem xét quá trình tuyển sinh năm vừa qua cần thay đổi gì không và khắc phục những lỗi kỹ thuật nếu phát sinh trong những năm qua.

Nguồn: daidoanket.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *