Thí sinh mông lung vì thiếu thông tin tuyển sinh

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 đang đến gần nhưng nhiều trường THPT gặp khó khăn trong tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12…

Mù mờ chọn ngành, chọn nghề

Em Nguyễn Thu Hương, học sinh lớp 12 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội (dự kiến thi khối D) cho biết: “Chỉ còn vài tháng nữa là đến mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng nhưng thông tin về phương án tuyển sinh của các trường đại học rất mù mờ.

Điều này khiến chúng em rất lo lắng vì thiếu thông tin trầm trọng để làm cơ sở lựa chọn trường, lựa chọn ngành học theo đúng sở thích và năng lực của bản thân; không biết trường nào sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực?”.

Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Quận Thủ Đức, TP HCM), cho hay, đến thời điểm này khi học kỳ I gần như đã kết thúc nhưng mới chỉ có thông tin về phương án tuyển sinh riêng của 4 trường. Do vậy, việc tư vấn hướng nghiệp thực hiện rất vất vả.

Mong những năm sau các trường sớm có thông tin để học trò đạt mục tiêu đã đặt ra. Đồng thời, về hướng nghiệp cũng có ý kiến cho rằng, các trường đại học cần triển khai công tác hướng nghiệp dài hơi xuống các trường THPT từ lớp 10 chứ không phải đến lớp 12 mới làm. Như vậy học sinh sẽ được cọ xát sớm để có lựa chọn phù hợp, tránh tình trạng không bỏ học giữa chừng khi thấy ngành nghề đó không phù hợp với mình…

Th.S Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế tài chính TP HCM đề xuất: “Bộ cần có lộ trình tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh để các em có sự lựa chọn ngành nghề, trường học phù hợp nhất”.

Lý giải về sự chậm trễ này, nhiều trường đại học cho rằng, khá bất ngờ khi mới đây Bộ chủ trương năm 2019 triển khai ngay việc thi THPT Quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp. Điều này sẽ gây khó cho một số trường lâu nay chỉ sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển.

Lãnh đạo một trường đại học ở Hà Nội cho biết: Lúc đầu Bộ thông báo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 vẫn giữ ổn định, chỉ thay đổi chấm thi, nhưng mới đây lại công bố kỳ thi này chủ yếu cho mục đích xét tốt nghiệp THPT. Cho nên hiện trường chưa có phương án gì, cũng không thể trả lời năm 2019 dựa vào đâu để xét tuyển. Hiện một số trường đại học khác vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019 xét tuyển để tạo sự ổn định và một số trường thì kết hợp cả hai.

Trường loay hoay tìm phương án tuyển sinh

Mỗi trường đại học cần có sự tự chủ trong tuyển sinh và tùy theo đặc trưng của các ngành nghề mà các trường cần có phương thức tuyển sinh phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tế.

Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của xu hướng này và một số đơn vị như: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM… đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng.

Tuy nhiên, để các trường ở tốp trung xây dựng bài thi năng lực đánh giá thì quá khó và tốn kém.

TS Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho biết: “Dùng kết quả nào thì các trường cũng đều trăn trở. Nếu để các trường tổ chức các kỳ thi riêng là cực kỳ khó khăn, phức tạp cho xã hội và cho các trường.

Ở giai đoạn hiện nay thì Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức kỳ thi làm căn cứ cơ bản để xét tuyển ĐH. Sau này, nếu bộ không còn đứng ra tổ chức, thì các trường nên ngồi lại với nhau để làm thành các nhóm, chứ không nên làm riêng lẻ, vì có thể gặp nhiều khó khăn”. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM hiện nay vẫn giữ hình thức xét tuyển là dùng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, tuyển thẳng, xét tuyển bằng học bạ…

Còn theo TS. Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, mỗi trường sẽ có một tiêu chí và có lẽ là không hoàn toàn giống nhau, đa phần dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia, đồng thời cũng bắt đầu triển khai những kỳ thi đánh giá năng lực, đây là hướng mới tốt cho thí sinh. Theo tôi biết, dựa vào 3 hình thức xét tuyển chính, ĐH Quốc gia cũng đang chủ trì để cùng Bộ và các trường khu vực phía Nam dần dần định hướng phương thức tuyển sinh trong giai đoạn sắp tới. Bộ cũng cố gắng ổn định kỳ thi, không xáo trộn nhiều để các em không quá bỡ ngỡ trong kỳ thi, thầy cô THPT cũng yên tâm hơn trong việc định hướng.

PGS.TS. Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM cho biết: “Việc tuyển sinh phải phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường mình, ví dụ ĐHQG TP HCM là đào tạo tài năng và giáo dục toàn diện.

Trong năm 2019 trường vẫn chủ trương 4 phương thức tuyển sinh chính: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT; ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi; kết quả thi THPT Quốc gia và dựa và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức.

Ngoài ra, các trường thành viên có thể xây dựng phương thức riêng, đưa các tiêu chí xét tuyển từ SAT (là bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ)… Năm nay mở rộng tối đa 40% chỉ tiêu xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực./.

Nguồn: vov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.