Dạy và học theo chương trình Ngữ văn mới, giáo viên không còn gọi học sinh trả bài bằng cách đọc thuộc lòng. Thay vào đó là những cách kiểm tra, đánh giá kích thích sự sáng tạo và tự học của học sinh.
1. Đổi mới cách kiểm tra bài cũ
Trong khoảng 10 phút kiểm tra bài cũ đầu giờ, cô giáo Vũ Ngọc (tên nhân vật đã được thay đổi) thay vì kiểm tra bài cũ, học thuộc văn bản như trước đây, nay cô cho các em chơi các trò chơi, đố mẹo,
Cô tạo bộ ngân hàng câu hỏi trên một phần mềm, hình thức như các trò chơi truyền hình. Câu hỏi về kiến thức đã học và kiến thức mở rộng.
Học sinh được sử dụng điện thoại thông minh để giải trò chơi. Em nào không có điện thoại có thể chơi chung với bạn. Cô Ngọc điều khiển trò chơi trên màn hình máy chiếu, hướng dẫn, định hướng cho học sinh.
Học sinh vừa giải, vừa nhìn thấy điểm số, xếp hạng của mình thay đổi trên màn hình lớn mỗi khi giải xong một câu. Đây là hoạt động kiểm tra mà các em hứng thú nhất.
“Thay vì đầu giờ học căng thẳng, việc kiểm tra bài cũ hiện nay giúp thầy và trò đều vui vẻ, không còn nặng nề như trước, trong khi kiến thức vẫn được đảm bảo, thậm chí hiệu quả hơn”, Cô Vũ Ngọc giáo viên trường Trung cấp Công nghệ và Kinh tế Đối ngoại cho biết.
Đổi mới môn văn là yêu cầu bắt buộc của thời đại
2. Đề cao tư phản biện
Trong các bài văn nghị luận xã hội, cô Ngọc thường đưa ra các vấn đề nổi bật của xã hội, nóng bỏng, mang hơi thở cuộc sống hiện nay. Từ đó học sinh sẽ tranh luận đồng ý hay phản đối và các em sẽ có những lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình. “Hình thức này giúp các em rèn luyện tư duy phản biện, phát triển năng lực ngôn ngữ để tự tin hơn trong giao tiếp. Về lâu dài sẽ giúp ích rất nhiều cho các em sau này đi ra đời, va chạm với cuộc sống”.
Ngoài ra, cô còn cho học sinh diễn lại tình huống trong văn học và luôn đặt vấn đề cho các em, nếu rơi vào hoàn cảnh là nhân vật trong tác phẩm liệu có cách nào tối ưu để giải quyết vấn đề tốt hơn không?
Cô Ngọc cho biết, học sinh của mình đều cảm thấy hứng thú với môn Ngữ văn vì các em được hoạt động nhiều hơn, bài bản hơn. Học sinh có nhiều cơ hội để phát triển năng lực theo trục nghe – nói – đọc – viết.
Ở mỗi dạng bài khác nhau, học sinh sẽ bộc lộ thiên hướng kỹ năng của mình. Giáo viên quan sát và kích thích các em phát huy sở trường.
3. Những điều giáo viên nói chưa hẳn là “chân lý”
Chương trình mới hay nhưng khá vất vả cho giáo viên trong những bước đầu triển khai. Mục tiêu của giáo viên đang là giúp các em quen với cách học vì đa số học sinh còn học theo tư duy cũ, thụ động. Một vấn đề là các em đã quen lối ghi chép, đọc viết thụ động nay thay đổi theo hướng tư duy, các em chỉ ghi lại tóm tắt theo ý của mình khiến ban đầu các em còn không ít khó khăn, bỡ ngỡ.
Cô Ngọc cho rằng, với cách dạy của chương trình mới, những gì thầy cô hay văn mẫu nói chưa hẳn đã là chân lý.
Chương trình mới chú trọng việc hướng dẫn học sinh sử dụng kiến thức và năng lực của mình trong đời sống. Mục đích cuối cùng là để học sinh sử dụng tiếng Việt hay và hiệu quả trong giao tiếp.
Giáo viên kiểm tra các em từ những văn bản đã được học đến các văn bản bất kỳ. Người học phải có năng lực tiếp nhận, giải mã cái hay của mọi thể loại văn bản.
Phương pháp thuyết giảng trước đây không còn được các giáo viên sử dụng phổ biến. Học sinh làm chủ hoạt động học tập, giáo viên cố vấn, định hướng và chốt kiến thức cho các em. Chương trình mới làm rõ hơn việc giáo viên cho học sinh công cụ để các em tìm ra cái hay của văn học, theo cảm nhận của mình.
TRƯỜNG TRUNG CẤP CÔNG NGHỆ VÀ KINH TẾ ĐỐI NGOẠI TUYỂN SINH LỚP DIGITAL MARKETING NGẮN HẠN
Chi tiết xem ngay TẠI ĐÂY