Lương 6 triệu đồng/tháng, tiến sĩ có ý định nghỉ việc

ảnh minh họa

Mới đây, một tiến sĩ trẻ đi học nước ngoài về, vừa giảng dạy, nghiên cứu khoa học vừa được giao ‘đủ thứ việc’ nhưng chỉ nhận mức lương 6 triệu đồng/tháng, thu nhập tăng thêm cũng rất thấp.

Với mức lương này, giảng viên đã lên mạng tìm kiếm việc làm thêm và có ý định chuyển sang nơi khác.

Thiệt thòi khi làm giảng viên trường ĐH tỉnh ?

Được biết, đây là giảng viên của một trường ĐH công lập ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mới đi học tiến sĩ ở nước ngoài về, do lương quá thấp nên đã vào một trang fanpage của những người làm nghiên cứu khoa học, làm tiến sĩ (VietPhD) để chia sẻ.

Tiến sĩ này viết: Em mới tốt nghiệp tiến sĩ về và đi dạy tại một trường công. Mức lương thấp (6 triệu), tiền thưởng công bố cũng thấp và rất khó mới nhận được. Em có 5 công bố SSCI ngành quản lý, gồm 3 bài báo Q1 (2 bài độc lập, 1 bài đồng tác giả), 1 bài báo Q2 (độc lập) và 1 Q4 (độc lập) và có khả năng nghiên cứu độc lập. Em mong muốn có thể làm nghiên cứu bán thời gian của một trường/tổ chức khác để kiếm thêm thu nhập.

Lương 6 triệu đồng/tháng, tiến sĩ có ý định nghỉ việc - ảnh 1
Nội dung chia sẻ của một tiến sĩ trẻ đi học nước ngoài về trên VietPhD

Tiến sĩ này cho biết mình du học lĩnh vực quản lý vận tải bằng học bổng tự tìm kiếm. Trong quá trình học, trường ĐH có đóng bảo hiểm và trả lương 1 triệu đồng/tháng và trước khi đi đã ký cam kết sẽ về công tác tại trường 10 năm, nếu không sẽ bị phạt gấp 3 lần số tiền trường cấp (khoảng hơn 100 triệu đồng).

Nói thêm về thu nhập, tiến sĩ này cho hay: “Mỗi năm mà dạy vượt thì 100 giờ cũng chỉ được trả 7 triệu đồng. Chỗ tôi cũng không có trường tư ngoài để xin đi dạy. Chưa kể lịch dạy ở trường kín tuần, lại thêm công việc cố vấn học tập, hướng dẫn sinh viên… Tôi cũng đang cân nhắc việc chuyển sang trường khác vì lương hiện tại thấp và trường cũng không mặn mà gì với nghiên cứu khoa học”.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhựt, từng là giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, hiện đang là kỹ sư lập trình tại Công ty CLAAS E-Systems Denmark (Đan Mạch), cho rằng ở các thành phố lớn của VN, với tấm bằng tiến sĩ nước ngoài, một giảng viên có thể kiếm tiền từ đi dạy nhiều hơn từ nghiên cứu khoa học. “Tuy nhiên, nếu là giảng viên của trường ĐH tỉnh thì cơ hội đi làm thêm để tăng thu nhập sẽ khó khăn hơn”, tiến sĩ Nhựt nói.

PGS-TS Trần Tình, giảng viên Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng nhận định giảng viên trường ĐH tỉnh không có cơ hội dạy thêm hay làm thêm để tăng thu nhập như ở các thành phố lớn. Càng không thể có thu nhập tốt như tiến sĩ ở các trường ĐH tự chủ.

Trường ĐH tỉnh khó thu hút người giỏi

Là một trường ĐH nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Trường ĐH Tây Nguyên gần đây có chính sách khá táo bạo để thu hút tiến sĩ về làm giảng viên, đó là hỗ trợ 100 triệu đồng ngay sau ký hợp đồng. Tuy nhiên, với mức lương tiến sĩ theo ngạch bậc và thu nhập ở tỉnh, thì số tiền 100 triệu này chưa phải thực sự hấp dẫn.

“Vì thế, việc tuyển dụng tiến sĩ về làm giảng viên của trường cũng không hề dễ dàng, nhất là ở khối ngành sức khỏe. Có trường hợp giảng viên sau khi được trường tạo điều kiện cho đi học tiến sĩ ở nước ngoài về đã xin nghỉ và tìm cơ hội tốt hơn ở một trường ĐH thành phố, với mức lương hàng trăm triệu đồng/tháng. Thu nhập tăng thêm của một trường ĐH còn phụ thuộc vào tuyển sinh có tốt không. Nếu trường nào có số lượng sinh viên ít thì thu nhập giảng viên càng thấp. Mà thu nhập thấp thì lại càng không thể tuyển được giáo sư, tiến sĩ. Bài toán cứ mãi không có lời giải”, tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, chia sẻ.

Nên chăng nhà nước thay đổi chính sách lương dành cho người có học vị tiến sĩ, thay vì khởi điểm bậc 3 như hiện tại thì nâng lên thành bậc 4 hoặc cao hơn? Trước đây, lương khởi điểm của giảng viên có học hàm phó giáo sư chỉ là 4.4, sau thay đổi thành 6.2 nhờ nâng từ giảng viên chính thành chuyên viên cao cấp.

PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình

(Trường ĐH Kinh tế – Luật – ĐH Quốc gia TP.HCM)

Thu nhập của giảng viên tại trường ĐH ở các nước tiên tiến tuy không quá cao nhưng đủ để sống thoải mái, ít giảng viên phải đi làm thêm bên ngoài. Giả sử lương kỹ sư lập trình lâu năm trung bình là 100.000 USD/năm thì lương giáo sư trung bình ít nhất cũng tầm 60.000 – 70.000. Mỗi học kỳ họ chỉ phải dạy khoảng 1 – 2 môn. Mỗi năm chỉ cần đăng 1 – 2 bài báo, đi 2 – 3 hội nghị.

TS Nguyễn Thành Nhựt

(nguyên giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM)

Ông Hồ Nhã Phong, Trưởng phòng Tổ chức – Chính trị Trường ĐH An Giang, cho biết: “Đối với một trường ĐH trên địa bàn tỉnh, việc thu hút giảng viên có học vị tiến sĩ hay học hàm giáo sư, phó giáo sư gặp một số khó khăn như môi trường, điều kiện làm việc chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu khoa học chuyên sâu của giảng viên. Địa bàn ở xa các trung tâm kinh tế – xã hội nên điều kiện sinh hoạt còn hạn chế, trường cũng chưa có cơ chế và nguồn kinh phí riêng để thu hút, giữ chân giảng viên có học hàm, học vị cao. Trước đây, UBND tỉnh An Giang có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu sinh khi hoàn thành chương trình và nhận bằng tiến sĩ thì được nhận 40 triệu đồng cùng một số chế độ khác để thu hút các tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư từ nơi khác về nhưng chưa có ai vì chế độ này mà tình nguyện về cả”.

Từ kinh nghiệm quản lý của mình, nguyên hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập ở Đồng bằng sông Cửu Long cho hay mức lương 6 triệu đồng/tháng cộng thu nhập tăng thêm không đáng kể thì tiến sĩ không đủ sống. “Trường ĐH tỉnh cũng khó mà thu hút hay giữ chân được một tiến sĩ học ở nước ngoài về bằng mức lương này. Họ chắc chắn sẽ tìm cách rời khỏi trường”, vị này khẳng định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *