Hết thời điểm thi thấp vẫn đỗ tốt nghiệp vì…học bạ

Trong chặng đường từ năm 2014 – 2017, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao ngất ngưởng của các địa phương và cả nước có phần đóng góp không nhỏ của điểm học bạ lớp 12.

Chia sẻ về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tỉ lệ cách tính điểm xét tốt nghiệp 30% điểm học bạ, 70% điểm thi, nhà giáo Kiên Trung đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố một số điểm mới trong Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2019, nhiều nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, với cách tính điểm xét tốt nghiệp trong đó điểm bài thi chiếm 70%, kết quả học trung học phổ thông chiếm 30% sẽ có tác động không nhỏ đến học sinh.

“Việc điều chỉnh này nên có lộ trình. Đảm bảo cho việc đánh giá của học sinh xét cả quá trình học tập, đặc biệt phù hợp với học sinh miền núi.

Năm 2019 điểm xét tốt nghiệp nên theo tỷ lệ 60% điểm thi và 40% học bạ. Những năm học sau tỷ lệ này giảm dần”, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái đề xuất trên Báo Tiền Phong.

Trước đề xuất này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ông chia sẻ khó khăn của các tỉnh miền núi. Nhưng, ông khẳng định các chuyên gia đã tham mưu rất kỹ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo lộ trình giảm tỷ lệ lấy kết quả học tập vào xét tốt nghiệp.

Bộ trưởng cũng thừa nhận: “Năm 2018 là 50% – 50%. Năm 2019 là 70% (kết quả thi trung học phổ thông quốc gia) – 30% (kết quả học bạ).

Vì xuất phát từ việc đảm bảo tính thiết thực, ý nghĩa của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đánh giá chất lượng trên diện rộng. Nếu để tỷ lệ đánh giá quá trình học tập cao trong bối cảnh hiện nay đôi khi có sự du di nên chất lượng có chỗ chưa phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông”.

Chúng ta nhìn lại một chặng đường thi tốt nghiệp trung học phổ thông có sự tham gia của điểm học bạ lớp 12.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 (năm cuối cùng) trước khi chuyển sang kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đã có nhiều thay đổi quan trọng

Số môn thi chỉ còn 4 thay vì 6 như các năm trước, trong đó có môn tự chọn; điểm liệt các môn được nâng lên là 1 điểm thay vì 0 điểm và quan trọng nhất là điểm trung bình lớp 12 được đưa vào công thức tính điểm xét tốt nghiệp với trọng số 50% (chưa tính điểm khuyến khích).

Công thức xét tốt nghiệp là tổng điểm (4 bài thi + tổng điểm khuyến khích chia 4 + điểm trung bình cả năm lớp 12) chia 2 + điểm ưu tiên.

Kết quả thi và xét tốt nghiệp năm 2014, mặc dù điểm liệt được nâng thành 1 điểm, tỉ lệ tốt nghiệp chung của cả nước đã tăng cán mức hơn 99% (99,09%) trong đó nhiều địa phương thậm chí có tỉ lệ tốt nghiệp 100%.

Đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đầu tiên năm 2015, cho dù đề thi có độ khó, phân hóa hơn nhiều so với những kỳ thi tốt nghiệp trước đó, tỉ lệ tốt nghiệp tuy có giảm nhưng vẫn giữ ở mức trên 90% (91,58%).

Và trong những kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tiếp theo, tỉ lệ tốt nghiệp đã tăng dần trở lại (năm 2016: 92,93%; năm 2017: 97,42%).

Phân tích cụ thể thêm, ở năm 2017, điểm trung bình lớp 12 của học sinh cả nước là 6,87, nghĩa là trên lý thuyết, điểm trung bình của 4 bài thi trung học phổ thông quốc gia 2017 chỉ cần 3,13 điểm là đủ để tốt nghiệp (và không có môn thi nào bị điểm liệt).

Với kết quả điểm thi các bài thi trung học phổ thông quốc gia 2017, nếu công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có thành phần điểm trung bình năm lớp 12 thì tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp của cả nước chỉ đạt hơn 58%, song trên thực tế, tỉ lệ tốt nghiệp cả nước năm 2017 là 97,5%.

Như vậy, trong chặng đường 4 năm qua, từ năm 2014 đến năm 2017, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao ngất ngưởng của các địa phương và cả nước có phần đóng góp không nhỏ của điểm học bạ lớp 12.

Hàng vạn thí sinh tuy điểm thi thì thấp hoặc rất thấp nhưng vẫn đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông nhờ điểm trung bình lớp 12 rất cao “tiếp sức”.

Có nhiều nhà trường, thầy cô giáo đánh giá, cho điểm không thực chất, cố tình đẩy điểm lên cao chót vót để học sinh của mình được hưởng lợi.

Hàng trăm ý kiến, bài viết trên báo chi đã phê phán gay gắt bệnh thành tích “thương” học sinh như vậy của không ít nhà trường, thầy cô giáo và đề xuất giảm tỉ lệ điểm học bạ xuống, tăng tỉ lệ điểm thi lên hoặc bỏ hẳn điểm học bạ, chỉ tính điểm thi để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tỉ lệ mới, 30% điểm học bạ, 70% điểm thi, nhiều chuyên gia giáo dục có cơ sở khi cho rằng, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019 sẽ giảm từ 10-15%, do điểm thi có tính chất quyết định hơn điểm học bạ.

Nếu điểm học bạ được 7,0 nhưng điểm thi trung bình chỉ đạt 4,0 thì vẫn trượt tốt nghiệp.

Dư luận xã hội lại chưa hết lo lắng về tình trạng nhà trường, thầy cô giáo sẽ tiếp tục “bơm” điểm học bạ lớp 12 lên một mức cao hơn năm 2017 để “cứu nạn” cho học sinh.

Nguồn: giaoduc.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *