Đề tham khảo Lịch sử thi THPTQG: Không thể học tủ

GD&TĐ – Đánh giá về đề tham khảo môn Lịch sử Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 Bộ GD&ĐT vừa công bố, nhiều giáo viên có nhận định tích cực. Theo đó, đề có độ khó giảm, các câu hỏi tường minh, không lắt léo và đánh đố nhưng vẫn phân loại được thí sinh.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy – Tổ trưởng Chuyên môn Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) và cô Nguyễn Vân Anh – Giáo viên Trường THPT Phù Ninh (Phú Thọ) cùng chung nhận định: Đề thi tham khảo môn Lịch sử năm nay có 4 câu hỏi phần nội dung kiến thức lớp 11; 36 câu kiến thức lớp 12. Như vậy, trọng tâm là kiến thức lớp 12.

Đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng, vừa sức, đáp ứng yêu cầu thi tốt nghiệp THPT, song vẫn có tính phân hóa cao, đáp ứng tuyển sinh vào các trường đại học.

Câu hỏi giảm mức độ khó so với đề thi THPT quốc gia năm 2018; nội dung câu hỏi rõ ràng, tường minh, không lắt léo, đánh đố, song rất linh hoạt và có tính phân loại rõ.

Từ câu hỏi 35 đòi hỏi học sinh phải tư duy, vận dụng, liên hệ nhiều nội dung kiến thức để trả lời, do đó tính phân hóa rất rõ nét – đây là những câu hỏi có hiệu quả cao để phân loại học sinh.

Bên cạnh đó, các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, thuận lợi cho học sinh trong quá trình làm bài; nội dung đề cập đến toàn diện các nội dung kiến thức về các mảng kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao. Đặc biệt, đề thi có nhiều câu hỏi thực tiễn hướng đến đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh.

Cũng nhận xét về đề tham khảo môn Lịch sử, giáo viên Lê Minh Tường, Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) cho rằng, đề bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ yếu trong chương trình lớp 12 (90%), lớp 11 (10%), không có kiến thức lớp 10.

So với năm trước độ khó của đề năm nay giảm, câu hỏi ở mức độ nhận biết và hiểu tăng lên, học sinh trung bình, khá làm được khoảng 6 – 7 điểm

Nội dung câu hỏi chia đều kiến thức cho từng giai đoạn, học sinh không thể học tủ mà phải nắm vững kiến thức mới làm bài tốt. Có những câu hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức, tư duy để làm bài

Cụ thể, phần thế giới (giai đoạn từ 1945 – 2000): 11 câu; phần Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945: 9 câu; giai đoạn 1945 – 1954: 7 câu; giai đoạn 1954 – 1975: 8 câu; giai đoạn 1975 – 2000: 1 câu. Phần sử lớp 11: 3 câu Việt Nam, 1 câu thế giới

Cách bố trí câu hỏi logic, giúp học sinh dễ dàng làm bài.

“Nhìn chung đề năm nay tập trung nhiều vào mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, nhưng vẫn có những câu hỏi khó để đáp ứng yêu cầu xét cao đẳng, đại học. Để làm tốt bài thi môn Lịch sử, học sinh cần nắm vững kiến thức, bám sách giáo khoa để làm bài; phải hiểu, xâu chuỗi các kiến thức; cuối cùng cần bình tĩnh, tự tin, phân tích đề để đạt kết quả tốt nhất” – giáo viên Lê Minh Tường lưu ý.

Nguồn: giaoducthoidai.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.